Có nhiều nguyên nhân khiến động cơ hư hỏng, và quá nhiệt là một trong số đó.
Trong quá trình động cơ làm việc sẽ tỏa ra một nhiệt lượng rất lớn. Một phần sẽ chuyển thành công năng , phần còn lại tỏa ra không khí hoặc vào các chi tiết tiếp xúc như xilanh, piston, nắp máy,…. Ngoài ra, khi các chi tiết khác hoạt động và cũng tạo ra ma sát, sinh nhiệt.
Động cơ quá nhiệt sẽ khiến đèn báo nhiệt độ nước làm mát phát sáng. Nếu bạn tiếp tục lái xe trong tình trạng động cơ quá nóng thì các chi tiết như piston, xéc măng, bạc lót thanh truyền sẽ dễ bị hư hỏng do ma sát, hay piston bị bó kẹt trong xilanh do sự giãn nở vì nhiệt độ quá cao. Còn nếu nhẹ hơn động cơ sẽ xuất hiện tiếng gõ hoặc gioăng quy lát sẽ bị hư hỏng.
Dầu bôi trơn cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ quá cao của động cơ, độ nhớt sẽ giảm xuống, dầu bôi trơn lỏng hơn và khả năng bôi trơn các bề mặt kim loại cũng giảm. Chính vì điều này mà ma sát tăng cao khiến ăn mòn các chi tiết như bạc lót đầu to thanh truyền, hay bạc lót trục khuỷu.
Ở nhiệt độ 200-3000 độ C, dầu nhớt sẽ bị bốc cháy, nhóm piston có thể bị bó kẹt trong xilanh vì giản nở, dễ gây cháy kích nổ ở động cơ xăng, bó máy, thổi zoăng quy lát
Vậy làm thế nào để xử lý khi đèn báo nhiệt độ trên taplo sáng khi đang lái xe?
Ngay khi phát hiện ra Kim Chỉ Nhiệt Độ động cơ quay tới chữ H hoặc Đèn Báo Nhiệt Độ sáng khi bạn đang lái xe là do nhiệt độ nước làm mát tăng quá cao và nước có dấu hiệu sôi. Khi đó bạn cần đưa xe vào lề đường hoặc nơi đảm bảo an toàn.
Đưa về số N, cho máy chạy chậm ở chế độ không tải đồng thời mở nắp ca-pô xe để tạo khoảng trống cho hơi nóng động cơ thoát ra ngoài nhanh hơn.
Một số xe có chốt ca-pô gần két làm mát nên cần cẩn thận, lót tay trước khi mở nắp để đảm bảo an toàn. Nếu nước làm mát còn nhiều mà sôi thì nên để máy chạy ở chế độ không tải đến khi nhiệt độ giảm xuống, đèn cảnh báo tắt hoặc kim chỉ dưới vạch đỏ mới tắt máy. Không nên tắt máy ngay lập tức để tránh gây nghẽn nhiệt độ nước không được lưu thông và quạt không hoạt động, sẽ làm nước sôi dữ dội.
Đến khi nhiệt độ nước đã hạ thì mới tắt máy, chờ máy nguội trong khoảng 30-60 phút, sau đó tiến hành kiểm tra nước làm mát và nguy cơ rò rỉ.
Điều tối kỵ mà tất cả lái xe cần lưu ý là không được mở nắp két nước ngay bởi lúc này nhiệt độ cao khiến áp lực của nước trong két rất lớn, khi mở nắp có thể khiến nước phun trào ra gây bỏng.
Sau khi đã chờ cho động cơ và hệ thống làm mát nguội bớt, lúc này hãy dùng một miếng khăn để mở nắp két nước xem mức nước có bị thiếu không.
Bổ sung thêm nước làm mát hoặc nếu không mang theo thì có thể thay tạm bằng nước tinh khiết, sau đó có thể cho xe chạy tiếp.
Tuy nhiên bạn vẫn cần theo dõi thêm và kiểm tra chính xác nguyên nhân càng sớm càng tốt vì có thể nước làm mát đang bị rò rỉ từ một vị trí nào đó trên động cơ.
Như vậy, nếu bạn gặp phải tình trạng đèn báo nhiệt độ sáng thì đừng chủ quan và bỏ qua nó để tiếp tục lái xe. Làm như vậy đôi khi sẽ khiến bạn phải bỏ ra một số tiền khá lớn để sửa chữa động cơ.
Kiểm tra và thêm nước làm mát thường xuyên
Bạn phải thường xuyên kiểm tra mức nước làm mát, đảm bảo lượng nước đủ tiêu chuẩn và thay thế bổ sung khi cần.
Mực nước nằm giữa vị trí “full” và “low” là đạt yêu cầu.
Nếu mức nước mát thấp hơn mức “Low” thì cần phải mở nắp bình nước phụ và nắp két nước để châm nước thêm
Theo khuyến cáo, bạn nên thay nước làm mát sau khoảng 160.000 km đầu tiên. Những lần tiếp theo nên thay sau khi động cơ đi thêm được 40.000 km.
Nước làm mát phải được thay theo lịch trình. Vì để lâu, chúng có thể bị thay đổi thành phần hóa học trong dung dịch và tạo nên axit hay bị phân hủy và gây ra tắc nghẽn trong động cơ.
Nước làm mát động cơ không phải là loại nước lọc dùng trong sinh hoạt hàng ngày mà nó là loại chất lỏng chuyên dụng với thành phần chính là nước tinh khiết kết hợp với ethylene glycol có tác dụng truyền dẫn nhiệt và các chất phụ gia chống bay hơi, ăn mòn.
Có 3 loại nước làm mát phổ biến hiện nay:
Nước làm mát màu xanh, màu hồng (SLLC) và màu đỏ (LLC)…. Các loại nước làm mát khác biệt trong màu sắc cũng thể hiện sự khác nhau của các phụ gia hòa cùng dung dịch chính.
Với loại nước xanh và màu hồng, người dùng không cần pha trộn mà đổ trực tiếp vào bình còn nước màu đỏ cần được pha trộn với nước lọc theo tỉ lệ 50:50.
Bạn chỉ nên sử dụng loại dung dịch nước làm mát theo chỉ dẫn, đặc biệt không nên trộn các loại vào với nhau.
Việc sử dụng đúng loại nước làm mát sẽ giúp động cơ vận hành bền và ổn định hơn.
Không nên dùng nước lọc hay nước sinh hoạt để đổ chung vào nước làm mát, mà chỉ nên dùng nước cất.
Nguồn: OTO-HUI
Kính chúc các bạn lái xe an toàn !
Xem thêm: Nước giải nhiệt động cơ Radiator Coolant