Khi xe bị kẹt chân ga nếu không xử lý đúng cách và kịp thời có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Vậy làm gì khi xe bị kẹt chân ga?
Vì sao xe bị kẹt ga?
Ô tô kẹt chân ga là tình huống bàn đạp ga bị kẹt cứng khi xe đang di chuyển. Lúc này người lái không thể kiểm soát chân ga, không thể tăng/giảm ga như bình thường. Có nhiều nguyên nhân xe bị kẹt chân ga như: hệ thống phần mềm xe bị lỗi, bướm ga gặp vấn đề, lò xo hồi vị bàn đạp ga bị yếu/hỏng… Ngoài ra cũng có thể do chân ga bị vướng, mắc kẹt bởi một đồ vật nào đó trên sàn xe như chai nước, thậm chí điện thoại di động… Và đặc biệt là do lắp thảm lót sàn sai cách hoặc sử dụng thảm lót sàn không phù hợp với xe. Nhất là các thảm sàn sử dụng băng keo 2 mặt để cố định, lâu ngày keo sẽ bị lão hóa và không còn giữ được thảm sàn ôm khít vào sàn xe.
Một video đăng trên mạng xã hội cảnh báo về sự cố kẹt chân ga do thảm lót sàn cố định bằng keo 2 mặt đã thu hút gần một triệu lượt xem. Theo đó khi nhấn chân ga (tăng tốc), chiếc bàn đạp bị tấm thảm lót sàn giữ lại. Khi nhả chân (giảm tốc), bàn đạp ga không trở lại trạng thái ban đầu.
Cách xử lý khi xe bị kẹt chân ga
Cách xử lý khi xe kẹt chân ga không quá phức tạp. Chỉ cần bình tĩnh thực hiện các bước giảm tốc độ đúng cách là có thể nhanh chóng dừng xe an toàn.
Bật đèn báo khẩn cấp
Đầu tiên nên bật đèn báo khẩn cấp – nút tam giác màu đỏ trên bảng taplo. Khi gặp bất kỳ tình huống nguy hiểm hay mất kiểm soát nào, bước đầu tiên cũng đều là bật đèn báo khẩn cấp để thông báo cho các phương tiện khác đang cùng lưu thông trên đường chú ý.
Dùng mũi chân phải nâng bàn đạp ga
Khi phát hiện ô tô bị kẹt chân ga, hãy thử dùng mũi chân phải nâng bàn đạp ga lên. Cách này sẽ giúp người lái kiểm tra nhanh xem có vật dụng gì mắc kẹt phía dưới bàn đạp ga không. Hoặc trong trường hợp lò xo hồi vị bàn đạp ga bị yếu thì nếu may mắn động tác này có thể giúp nâng bàn đạp ga lên. Nếu nâng được, xe có dấu hiệu giảm tốc thì chú ý quan sát trước sau, từ từ đưa xe tấp vào lề.
Gạt cần số về N
Trong trường hợp đã thử nâng chân ga nhiều lần nhưng vẫn bị kẹt cứng thì nhanh chóng gạt cần số về N (số mo). Điều này sẽ giúp ngắt truyền động từ động cơ xuống bánh xe để ô tô trôi tự do theo quán tính. Lưu ý với xe hộp số sàn phải đạp chân côn trước khi chuyển cần số về N. Khi xe đang chạy tốc độ cao mà đột ngột chuyển về N có thể xe sẽ gầm lên vì vòng tua máy tăng cao.
Đạp phanh
Sau khi chuyển số về N thì đạp phanh đều đều để hãm xe, giảm tốc độ từ từ, cẩn thận quan sát đưa xe tấp vào lề an toàn.
Tắt máy xe và gọi cứu hộ
Khi đã đưa được xe vào lề và dừng hẳn thì mới tắt máy xe, rồi kéo phanh tay. Gọi cứu hộ để kéo xe về garage kiểm tra. Tuyệt đối không cố khởi động lại xe hay tự lái xe đi tìm chỗ sửa chữa.
Tuyệt đối không tắt máy khi xe đang chạy
Nhiều người khi thấy xe kẹt chân ga thì mất bình tĩnh, theo quán tính lật đật tắt máy xe. Cách xử lý này rất nguy hiểm vì không chỉ không cải thiện mà còn dễ đẩy tình hình đi xa hơn, trở nên nghiêm trọng hơn.
Bởi tắt động cơ sẽ không làm giảm tốc độ xe, trái lại có thể khiến xe lao đi nhanh hơn nếu đang xuống dốc. Vì khi này xe không còn được hãm bởi động cơ. Đặc biệt, tắt máy xe sẽ làm vô hiệu hoá hệ thống trợ lực lái khiến vô lăng bị nặng khó điều khiển hơn rất nhiều hoặc nguy hiểm hơn là vô lăng sẽ bị khóa cứng không thể điều khiển.
Không kéo phanh tay
Phanh tay chỉ có tác dụng hãm bánh sau giúp cố định lúc xe đứng yên. Nếu xe đang di chuyển mà kéo phanh tay, hai bánh xe sau sẽ bị khoá đột ngột dễ gây trượt, dẫn đến xe bị mất lái. Do đó khi xe đang chuyển động, dù trong bất kỳ tình huống nào cũng không kéo phanh tay, chỉ giảm tốc độ bằng bàn đạp phanh (hệ thống phanh chính).
Để phòng tránh xe bị tăng tốc không chủ ý do các lỗi cơ học như xe bị kẹt chân ga, hiện nay một số xe được trang bị bướm ga thông minh. Khi thấy chân ga và chân phanh hoạt động cùng lúc, hệ thống này sẽ tự động ngắt hoạt động của chân ga để ưu tiên cho phanh.
Dũng Phạm