Bên cạnh độ đèn, độ camera, độ màn hình ô tô thì độ loa, nâng cấp âm thanh luôn được nhiều chủ xe quan tâm chăm chút. Bởi đa phần ô tô phổ thông ít được nhà sản xuất đầu tư về mặt âm thanh nên việc độ loa hay âm ly sẽ đem đến trải nghiệm âm thanh sống động, đặc sắc hơn.

Kiến thức cơ bản về âm thanh xe hơi

Âm thanh xe hơi được tạo ra bởi hệ thống loa trong xe. Hệ thống loa ô tô thường lắp ở các vị trí: taplo, cột trụ chữ A, ốp cánh cửa, bệ sau hàng ghế sau…

Cấu tạo của loa ô tô bao gồm:

  • Củ loa: Củ loa gồm cuộn dây gắn với màng loa, đặt trong từ trường nam châm vĩnh cửu. Khi dòng điện chạy qua, cuộn dây sẽ rung động tạo nên các dao động truyền ra ngoài thông qua màng loa.
  • Thùng loa: Thùng loa chứa toàn bộ củ loa bên trong. Độ dày, vật liệu và cấu tạo thùng loa ảnh hưởng nhiều đến âm thanh loa phát ra.
  • Lỗ dội âm: Các lỗ thông liên kết với thùng loa bố trí bên ngoài màng loa vừa bảo vệ màng loa, vừa cho phép âm thanh thoát ra.
  • Các phụ kiện khác: dây điện, giắc cắm, giá cố định loa…

Âm thanh nói chung và âm thanh xe hơi nói riêng được phân thành 3 dải âm chính tương ứng với 3 dải tần số:

  • Âm Bass nằm trong khoảng tần số từ 20 Hz đến 500 Hz: Âm Bass là dải âm thấp, sâu, biểu thị độ trầm của âm thanh.
  • Âm Mid nằm trong khoảng tần số 500 Hz đến 6.000 Hz: Âm Mid là dải âm trung. Những âm thanh thông thường trong cuộc sống như giọng nói, tiếng kêu động vật… đều nằm trong dải âm này.
  • Âm Treble nằm trong khoảng tần số từ 6.000 Hz đến 20.000 Hz: Âm Treble là dải âm cao, biểu thị độ bổng của âm thanh. Dễ hình dung là những âm thanh có độ cao, thánh thót.

Nguồn phát âm thanh qua loa ô tô thường là:

Đầu đĩa CD, DVD: Trước đây khi đĩa CD hay DVD thịnh hành, nhà sản xuất ô tô thường trang bị trên xe đầu đọc CD hoặc DVD, khi trình chiếu âm thanh sẽ phát qua hệ thống loa. Tuy nhiên ngày nay CD, DVD đã lỗi thời, đa phần các mẫu xe ô tô đời mới đã dần cắt giảm, không còn trang bị đầu đọc CD/DVD, thay vào đó chỉ trang bị màn hình ô tô.

Màn hình giải trí trên ô tô: Màn hình ô tô hiện nay đóng vai trò như một chiếc máy tính bảng trên xe. Nếu được kết nối internet, người dùng có thể xem phim, nghe nhạc trực tuyến. Âm thanh từ màn hình sẽ được phát qua hệ thống loa trên xe.

Cổng AUX, USB: Thông qua các cổng này, người dùng có thể kết nối các thiết bị khác như máy MP3, điện thoại… với hệ thống loa trên xe ô tô.

Các loại loa ô tô


Tương ứng với 3 dải âm thanh ô tô, hệ thống loa ô tô có 3 loại loa chính:

Loa trầm và loa siêu trầm Sub

Loa trầm (Woofer) và loa siêu trầm Sub (Subwoofer) là loại loa thể hiện âm thanh dải Bass trầm, dễ hình dung nhất là tiếng trống. Loa trầm thể hiện âm thanh dải tần thấp, còn loa siêu trầm sẽ thể hiện âm thanh dải tần siêu thấp.

Đặc điểm của loa trầm và loa siêu trầm là kích thước lớn, thùng loa to để tạo ra tiếng bass đầy. Bởi công suất lớn nên loa trầm và loa siêu trầm thường được lắp ở dưới gầm ghế xe hay phía sau cốp xe.

Loa Sub ô tô có 2 loại: Sub hơi và Sub điện.

  • Sub hơi là loa lấy tín hiệu từ âm ly ô tô như các loa bình thường khác mà không có bộ khuếch đại âm thanh riêng của nó.
  • Sub điện là loa tích hợp bộ khuếch đại âm thanh riêng bên trong và có cả bộ cắt tần số nhằm loại bỏ những âm tần số cao, chỉ để lại âm trầm có tần số nằm trong dải Bass.

Loa trung Mid

Loa trung Mid (còn gọi là loa Center – loa trung tâm) là loại loa tập trung thể hiện âm thanh dải Mid trung, đây là những âm thanh có tần số phổ biến nhất, dễ hình dung nhất là giọng nói con người. Do đó, loa Mid được xem là loại loa cơ bản, nhất định phải có. Các loa có sẵn đi kèm với những thiết bị điện tử như TV, điện thoại, màn hình ô tô… đều là loa Mid.

Loa Mid ô tô có kích thước trung bình tầm 3 – 5 inch. Loa Mid thường được lắp ở cánh cửa xe. Loa Mid ô tô không nhất thiết phải có thùng loa như loa Bass. Thông thường người ta sẽ tận dụng ốp cửa làm thùng loa.

Loa Treble

Loa Treble (còn gọi là loa tép hay trép) là loại loa thể hiện âm thanh cao, bổng ở dải Treble, dễ hình dung nhất là âm thanh sắc cao như tiếng chim hót. Loa Treble ô tô có kích thước nhỏ tầm 1 – 2 inch, thường được lắp ở góc taplo sáp kính lái, cột chữ A vị trí ngay góc kính cửa, ốp cánh cửa xe…

Hệ thống âm thanh trên xe nguyên bản có gì?


Các dòng xe hạng sang thường được đầu tư nhiều về hệ thống âm thanh ô tô. Điển hình như xe Mercedes có hệ thống âm thanh vòm Burmester. Các dòng xe C-Class như C200, C300 AMG hay E-Class như E200, E300 AMG đều được trang bị hệ thống âm thanh vòm Burmester 13 loa, riêng dòng S-Class Maybach có đến 26 loa. Trong hệ thống âm thanh này có đầy đủ loa Mid trung tâm, loa Sub và loa Treble bố trí ở nhiều vị trí trong xe.

Tuy nhiên với các dòng xe phổ thông, để tối ưu giá bán thì những trang bị giải trí như màn hình ô tô và hệ thống âm thanh ô tô thường bị cắt giảm chỉ ở mức trung bình, không được đầu tư nhiều.

Nhóm xe cỡ nhỏ giá rẻ như Kia Morning, Hyundai i10, Toyota Wigo… thường chỉ có âm thanh 4 loa bố trí ở 4 cánh cửa.

Nhóm xe hạng B, hạng C như Toyota Vios, Hyundai Accent, Hyundai Elantra… thường chỉ có âm thanh 6 loa: 4 loa ở cánh cửa và 2 loa ở trước. Riêng Mazda 3 được đầu tư hơn với âm thanh 8 loa.

Nhóm xe hạng D giá trên 1 tỷ đồng được đầu tư hơn như Toyota Camry 9 loa, Mazda 6 11 loa, Honda Accord 8 loa…

Khác với xe hạng sang, những xe ô tô dòng phổ thông đa phần chỉ sử dụng loa Mid thường. Chỉ riêng một số mẫu xe trên 1 tỷ đồng mới được trang bị những loa ô tô của thương hiệu lớn như Toyota Camry là loa JBL, còn Mazda 6 là loa Bose.

Do đó nhìn chung với xe ô tô giá dưới 1 tỷ đồng hệ thống âm thanh xe oto chỉ ở mức trung bình, đủ nghe. Những xe dưới 500 triệu, âm thanh ở mức tạm chấp nhận. Còn nếu đòi hỏi trải nghiệm âm thanh hay đúng nghĩa, các dải tần rõ ràng, tròn trịa, nhất là dải Bass trầm hay Treble cao thì khó có thể.

Có nên độ loa ô tô?


Nâng cấp âm thanh xe hơi hay còn gọi là “độ” loa xe hơi là một giải pháp được nhiều người lựa chọn hiện nay để nâng tầm trải nghiệm âm thanh cho xe. Bởi hệ thống âm thanh của đa phần các xe oto phổ thông như phân tích trên đều chỉ tạm, ít loa, sử dụng loa thường ở dải tần Mid cơ bản. Còn nói về âm thanh hay, âm sắc trầm bổng rõ ràng, mang tầm trải nghiệm thì không có được.

Mặt khác xe phổ thông thường có thân vỏ mỏng, cách âm kém. Do đó hệ thống âm thanh lại càng quan trọng. Đây được xem như cách “cứu thua”, giúp át đi tiếng ồn trong cabin. Vì thế đó là lý do vì sao xu hướng nâng cấp âm thanh xe hơi lại đang “thịnh” đến vậy.

Ô tô ngày nay không chỉ đơn giản là phương tiện để đi lại mà còn là nơi người ta mong muốn có được trải nghiệm tiện nghi, cao cấp hơn. “Độ” âm thanh xe hơi sẽ giúp âm thanh xe trở nên chuẩn mực hơn, xem phim hay nghe nhạc sống động hơn. Từ đó những chuyến đi cũng thú vị và cảm xúc hơn rất nhiều.

Độ loa Sub


Với kiểu này, hệ thống âm thanh xe hơi nguyên bản sẽ được giữ nguyên chỉ độ thêm 1 hoặc 2 loa Sub siêu trầm cho xe. Đây là cách độ âm thanh xe ô tô tiết kiệm được nhiều người lựa chọn, phù hợp với những ai thích dải âm Bass trầm.

Độ loa Sub và thêm loa Treble


Với kiểu này, hệ thống âm thanh xe hơi nguyên bản sẽ được giữ nguyên, độ thêm loa Sub siêu trầm và loa Treble nhỏ âm cao. Kiểu độ này được đánh giá cao hơn, bởi với hệ thống loa Mid sẵn có kết hợp thêm loa Sub siêu trầm và loa Treble âm cao thì người dùng đã có đầy đủ cả 3 loại loa tương ứng với 3 dải âm trầm – trung – cao. Ở kiểu độ này, người ta thường độ 1 loa Sub và 2 loa Treble.

Độ loa Mid


Loa nguyên bản theo xe ở những dòng xe giá rẻ thường là loa tiêu chuẩn, chất âm không hay. Do đó với những “dân chơi” chịu chi, họ thường sẽ thay luôn toàn bộ dàn loa nguyên bản bằng những loa chất lượng hơn, đến từ các thương hiệu lớn.

Độ âm ly


Amply là thiết bị giúp khuếch đại tín hiệu âm thanh (tăng âm). Thực tế trong một số dòng loa cũng đã có sẵn amply như Sub điện. Tuy nhiên khả năng khuếch đại sẽ không bằng đầu amply độc lập.

Do đó nếu người dùng muốn tín hiệu âm thanh từ nguồn phát lớn hơn có thể độ thêm amply ô tô. Độ amply thường là lựa chọn phù hợp với những ai muốn trải nghiệm âm thanh chuyên nghiệp. Tuy nhiên để tránh âm thanh trong xe gây ồn bên ngoài, xe độ amply nên có cách âm tốt.

Kinh nghiệm nâng cấp âm thanh xe hơi

Cách chọn loa xe

Khi mua loa ô tô nên chú ý đến các yếu tố sau:

Dải tần loa

Biết được dải tần của loa người mua sẽ biết đây là loại loa siêu trầm Sub, loa trung Mid hay loa âm cao Treble. Nếu xem xét kỹ hơn bạn cũng sẽ biết và so sánh được các dải tần loa với nhau. Ví dụ cùng là dòng loa Sub siêu trầm, nhưng loa này có dải tần thấp hơn loa kia. Cùng là dòng Mid nhưng sẽ có loa có dải tần rộng hơn đạt được độ trầm bổng cao hơn loa khác.

Độ nhạy loa

Độ nhạy của loa (đơn vị Decibel dB) sẽ cho biết độ lớn, độ to hay âm lượng của loa khi phát ra. Thông qua độ nhạy, người mua có thể chọn công suất amply phối ghép phù hợp.

Trở kháng

Trở kháng loa ô tô do cuộn dây bên trong loa quyết định. Biết được trở kháng của loa, người mua có thể chọn phối amply phù hợp. Mức trở kháng loa phổ biến là 4 ohm, 6 ohm hoặc 8 ohm. Mức trở kháng lớn thì công suất càng lớn.

Công suất cực đại

Thông qua thông số công suất cực đại, người mua sẽ biết được mức giới hạn công suất của loa từ đó lựa chọn phối với xe hoặc độ thêm amply phù hợp.

Kích thước loa

Kích thước loa cũng rất quan trọng. Tuỳ vào xe, vị trí lắp loa mà có thể chọn kích thước loa phù hợp.

Có thể tự độ loa ô tô tại nhà không?

Trên các diễn đàn âm thanh, loa ô tô… có nhiều video hướng dẫn cách tự độ loa tại nhà như: cách lắp đấu thêm loa Treble, cách làm tăng Bass cho loa, tự chế loa Sub…

Tuy nhiên theo các chuyên gia, cũng như màn hình ô tô, loa liên quan trực tiếp đến hệ thống điện. Khi độ loa ô tô cần am hiểu chuyên sâu về kỹ thuật điện ô tô, về công suất, trở kháng… của hệ thống loa, âm ly và có kinh nghiệm nhất định. Nếu không sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro chập cháy loa, âm ly hay ảnh hưởng đến cả hệ thống điện ô tô. Do đó, không nên tự độ loa tại nhà khi không có kinh nghiệm

Nếu quý khách có nhu cầu nâng cấp hệ thống âm thanh, hãy đến với Thành Tín Ô Tô để được tư vấn tốt nhất

Nguồn: Danchoioto